Monday, May 7, 2012

Nỗi Lòng 30 Tháng 4


BTM
Thế là chúng tôi đã định cư ở Mỹ hơn 16 năm rồi. Nhìn đứa con trai lớn đang ngồi trước máy điện toán chuẩn bị luận án tiến sĩ, nhìn vợ tôi và hai đứa con nhỏ của chúng tôi đang xem truyền hình và tán chuyện vui vẻ, tôi bùi ngùi nhớ đến những người bạn không may đã chết trong trại cải tạo hay đang cùng gia đình sống vất vưởng tại Việt Nam.  Tôi tự hỏi nếu chúng tôi còn ở quê nhà thì sẽ ra sao nhỉ"

Chắc chắn khá lắm tôi cũng chỉ biết gò lưng trên chiếc xe xích lô đạp; vợ tôi thì đi bộ từ góc phố này đến góc phố khác như một kẻ ăn xin, với xấp vé số trên tay, năn nỉ khách đi đường mua cho một vài tấm; còn thằng con lớn của chúng tôi học hành dở dang, vì lý lịch "ngụy" không xin được việc làm, la cà suốt ngày ở những quán cà phê cóc;  mấy đứa em của nó sẽ ra sao tôi không tưởng tượng nỗi, rất có thể chúng phải bỏ học, theo giúp mẹ chúng.

Ba mươi mốt năm trước đây chúng tôi đã bị đổi đời, thì khi bước chân lên đất Mỹ chúng tôi lại được đổi đời. Xin tri ân nước Mỹ đã cưu mang chúng tôi.

*  

Đặt bút viết đến đây tôi không thể không nói đến Phượng, người vợ trước của tôi. Tôi thành thật mong bà ấy nhận nơi đây một lời xin lỗi. Tôi đã từng không hài lòng về bà ấy.  Tôi cho rằng không có người vợ lính nào lại hành động hồ đồ như Phượng, cho việc chồng thuyên chuyển đi xa là "rời bỏ nhiệm sở hôn nhân" để xin li dị. Nguyên nhân sâu xa là bà ấy không chịu đựng được sự "bay bướm" của tôi, một người lính, lại là một người lính biển rày đây mai đó.

Dù chúng tôi đã hòa giải với nhau, việc xin li dị này của Phượng đã trở thành một vết xám trong đời sống vợ chồng chúng tôi, đã khiến tôi đến với Thủy Tiên  không chút ngại ngùng.

Để tiếp tục câu chuyện, tôi xin trích lại những đoạn hồi ký sau đây của Thủy Tiên.

*

. . . Mãi về sau này tôi mới biết anh ấy không li dị với vợ. Khi ấy tình yêu của chúng tôi đã thấm đẫm quá rồi, qua từng thớ thịt, khối óc và con tim. Phải chi trước đây anh ấy nói thật . . .

. . .Trong những giờ phút như thế này mà không có anh bên cạnh, tôi muốn điên lên được! Ngày 29 tháng 4, Hạ sĩ Thiện và vài nhân viên khác thuộc quyền của anh đến gặp tôi. Tôi ngạc nhiên hỏi:

-Chưa đi sao"

-Chúng tôi đợi Chỉ huy trưởng.

Chỉ huy trưởng mà họ nói đây là anh ấy. Cả nhà khuyên họ nên tìm đường đi gấp hoặc tránh đâu đó. Họ lủi thủi rời khỏi nhà. Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu họ đợi anh ấy để làm gì, đợi cùng nhau trốn chạy, đợi cùng nhau đầu hàng hay đợi cùng nhau chống lại. Tôi chỉ biết một điều là cho đến phút cuối cùng họ vẫn đặt tin tưởng nơi anh.

*

Dù rất yêu Tiên tôi cũng bỏ Tiên lại Cần Thơ để lên Sài Gòn cùng với Phượng và hai con. Lúc bấy giờ cả gia đình Phượng đang chuẩn bị chạy vào tòa Đại sứ Hoa Kỳ.

Trái với khi trước, bấy giờ ai cũng không quan tâm đến tôi, ngay cả Phượng. Tôi biết mọi người đang bối rối lo lắng, nhưng không khỏi cảm thấy bẽ bàng vì nay mình đã trở thành một người thừa. Phượng đưa cho tôi xem một mảnh giấy, trong đó có ghi tên tất cả mọi người trong gia đình được vào tòa Đại sứ Mỹ để di tản, kể cả tên tôi ở cuối cùng.

Sau khi vào được trong khuôn viên tòa Đại sứ, chúng tôi cùng mọi người sắp hàng gần cái hồ tắm, trong khi từ bên ngoài có nhiều người đang leo lên các bức tường hay dùng dây thòng từ trên các ngọn cây để xuống khuôn viên. Những người lính Thủy quân Lục chiến Mỹ chạy trên bờ tường giống như đang diễn tập và không hề ngăn cản những kẻ đột nhập này.

Nhìn những chiếc máy bay Mỹ lượn đi lượn lại trên cao và nghe những tiếng súng lớn rất gần, tôi bỗng nhiên cảm thấy buồn cười cho cuộc chiến mấy mươi năm này. Tất cả đã được sắp đặt trước. Chắc chắn những máy bay kia và những hỏa tiễn SAM đã nhận ra nhau một cách dễ dàng, có khi còn "cười" và "nháy mắt" với nhau nữa kia!

Tôi ngồi chồm hổm sắp hàng nhìn một nhân viên tòa Đại sứ người Mỹ nói tiếng Việt khá sõi với cái loa cầm tay:

- Xin an tâm. Tất cả mọi người ở đây đều được ra đi.

Tôi nhìn chung quanh. Có những gia đình quấn quýt bên nhau. Có những cặp tình nhân giống như dán vào nhau vì sợ lạc. Tôi nhìn Phượng và các con. Mấy cháu còn nhỏ quá, một đứa lên 5 và một đứa lên 3, chúng chỉ quấn lấy mẹ, trong khi mẹ chúng cứ dần dần theo đoàn người sắp hàng tiến về phía trước, nơi có cổng lên chỗ trực thăng đậu, xem như không hề có tôi ở phía sau.

Tôi cảm thấy nhục nhã, thấy mình đang mất tất cả: mất nước, mất những người mình đang thương yêu và cũng đang thương yêu mình, trong đó có T.

Theo tin tức nhận được, các chiến hạm Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn ở Phú Quốc. Tại sao tôi phải đi theo người Mỹ như một kẻ đào ngũ. Lại nữa, sau này khi qua đến Mỹ rồi, không chừng vợ tôi lại kể công là nhờ bà ấy mà tôi mới được đi. Biết đâu khi ấy vợ tôi lại xin li dị một lần nữa.

Tôi thầm nói với hai con: "Vậy là chắc chắn hai con sẽ được bình yên. Ba sẽ gặp hai con sau." Tôi không suy nghĩ gì hơn, vội đi một mạch ra cổng. Nhớ lại mình vẫn còn mang quân hàm trên vai, tôi vội tháo ra vứt xuống đường nhưng rồi lại nhặt lên, ngậm ngùi moi đất chôn xuống bên một gốc cây, như chôn cả tương lai và sự nghiệp của mình.

Thấy có chiếc xe gắn máy ai bỏ ngoài đường, có sẵn chìa khóa găm nơi ổ khóa, tôi leo lên cho xe chạy đến Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Nơi đây chỉ còn các chiến hạm hư hỏng cặp bến. Có mấy người lính hải quân đang cầm súng đứng gác. Họ đứng nói chuyện với nhau một cách vui vẻ, xem như không có gì xảy ra. Tôi dựng xe bên lề đường rồi đi ra bờ sông. Gặp một số sĩ quan An ninh Hải quân quen đang đứng nói chuyện với nhau, tôi hỏi sao họ không đi. Một người nói:

-Giám đốc Sở An Ninh ở lại, mình đi làm gì.

Tôi định lái xe đi thì nghe có tiếng gọi sau lưng:

-Thiếu tá! Thiếu tá!

Tôi nhìn lui thấy hai ông bà đứng tuổi cùng với một cô gái tay xách nách mang đang chạy về phía tôi. Trông họ rất quen, nhưng tôi không nhớ là ai.

-Cho chúng tôi theo ông với!

Ông đứng tuổi ngập ngừng một lúc rồi chỉ cô gái nói tiếp:

-Qua bên đó chúng ta xem nhau như... cùng một gia đình. Ông... chịu không"

Tôi nhìn cô gái. Cô ta chừng 20 tuổi, khá đẹp. Bây giờ tôi mới nhớ ra đây là gia đình ông chủ tiệm may T L, ở sát cạnh nhà một người bạn thân của tôi. Hồi làm hạm phó HQ 502, tôi hay ghé nhà bạn tôi chơi. Chúng tôi thường bắc ghế ngồi ngoài hiên để đón M, tên cô ấy, đi học về và nói ỡm ờ vài câu gì đó để có cái hạnh phúc thấy cô đỏ mặt. Sau đó tôi rời Sài Gòn và mãi cho đến hôm nay mới gặp lại cô. Lúc này cô không đỏ mặt nữa, không cần thiết phải đỏ mặt, phải e lệ. Mọi người đều sẵn sàng đánh đổi bất cứ cái gì để ra đi.

Sau khi nghe cha nói, cô nhìn tôi như dò hỏi. Tôi nói:

-Tôi rất cám ơn, nhưng xin lỗi, tôi có chuyện gấp phải đi. Hơn nữa bây giờ đã trễ.

Tôi cho xe chạy và nghe văng vẳng tiếng nói của cha cô M ở sau lưng:

-Đồ ngu!

Sau này tôi đã gặp lại M ở khu Phước Lộc Thọ. Theo lời M kể lại, gia đình cô đã vượt biên bốn năm sau đó. Ông cụ nhất quyết ra đi với bất cứ giá nào vì đã trải qua những đau thương vào năm 1956 tại miền Bắc. Khi vượt biên cô đang có thai sắp sinh, còn người chồng thì ở tù vì một tội gì đó.

Chỉ mấy tiếng đồng hồ sau lúc khởi hành, cô sinh một bé trai. Chiếc thuyền vượt biên đi lạc suốt ba ngày, không ai biết đâu là đâu. Mọi người đói khát, mệt mỏi, ốm đau, tuyệt vọng.

Qua ngày thứ tư họ nhìn thấy một đảo nhỏ mà mãi đến khi lên bờ mới biết là của Thái Lan. Họ liều lĩnh ghé vào đảo. Trong hoàn cảnh vô cùng tuyệt vọng và mệt mỏi, cô nghĩ mình không thể nuôi một trẻ sơ sinh trong hoàn cảnh này nên quyết định gởi nó lại cho một gia đình trên đảo kèm theo mấy lượng vàng, rồi gạt nước mắt rời con.

Cuối năm 1990 cô đi Thái Lan để tìm lại con thì không ai biết hòn đảo kia nằm nơi đâu cả.

Năm 1991 cô đi Thái Lan một lần nữa. Rất may mắn, cô tìm ra được hòn đảo và gia đình đã nhận nuôi đứa con. Cô mừng rỡ ôm chầm lấy con, nhưng thằng bé gỡ tay cô ra và xổ một tràng tiếng Thái mà cô không hiểu gì cả. Cô ngỏ ý muốn thằng bé đi theo mình thì nó lắc đầu quầy quậy.

Cô ở lại đây suốt một tuần lễ để thuyết phục nó, nhưng không tài nào làm cho nó gần gũi cô hơn gần gũi cha mẹ nuôi.

Cuối cùng, một lần nữa cô lại gạt nước mắt rời con sau khi để lại cho nó một số tiền.

*



Rời bờ sông Bạch đằng tôi cho xe chạy về nhà ông bà ngoại hai cháu. Trông ông bà như những người mất hồn, có mỗi một chuyện lạ lùng như chuyện tôi quay trở lại mà ông bà cũng không buồn hỏi. Tôi cũng chẳng nói một lời nào. Tôi đi quanh nhà, nhìn chỗ này một chút chỗ kia một chút, mỗi nơi đều gợi lại cho tôi biết bao nhiêu là kỷ niệm.

Ôi, chỉ cách đây có mấy tiếng đồng hồ tôi còn ẵm đứa con gái và ôm hôn đứa con trai, mà giờ đây chúng đã xa xôi biền biệt. Biết đến bao giờ tôi mới gặp lại chúng" Thấy những mớ áo quần và đồ chơi chúng bỏ lại, tôi càng thương, càng nhớ và càng hối hận. Nước mắt giàn giụa, tôi chào từ biệt ông bà ngoại hai cháu. Đến lúc ấy hai người mói lên tiếng:

-Con định đi đâu"

-Con tìm cách . . .

-Bây giờ làm sao mà đi được nữa. Tại sao. . .

Tôi không trả lời mà quay vào nhà nhặt một mớ áo quần của hai đứa bé cho vào túi rồi lủi thủi ra xe. Tôi muốn giữ lại bên mình hơi hướng của hai con. Tôi cho xe chạy như bay về hướng Nhà Bè. Thấp thoáng đằng xa có bóng dáng lờ mờ của các chiến hạm với những đám khói nhỏ do hải Pháo vừa nhả đạn. Tôi đang bàng hoàng luyến tiếc nhìn các chiến hạm thì bỗng nghe có tiếng đạn réo liên tiếp chung quanh, theo sau là những tiếng súng nổ từ một cánh đồng kế bên. Tôi vội quay xe về hướng Sài Gòn, rồi chạy lên Phú Lâm. Có nhiều người chết nằm ngay bên vệ đường. Có thể đây là những người vừa tự kết liễu cuộc đời mình để không lọt vào tay của kẻ chiến thắng, hay cũng có thể là những kẻ chiến thắng đi lẻ tẻ bị thanh toán. Đối với tôi lúc bấy giờ nỗi chết không có gì đáng quan tâm lắm. Tôi bận lòng vì những cái còn đáng sợ hơn cái chết như đau đớn biệt ly, trại tập trung cải tạo, tình người trong hoàn cảnh mới. . . Không biết gia đình T và nhất là T có còn đối với tôi như trước nữa không, hay xem tôi như một sự xui xẻo, một người mà không ai dại gì muốn liên lụy vào. Tôi bỏ chiếc Honda bên lề đường và thẫn thờ lên xe đò đi Cần Thơ.

*

. . . Tôi vẫn không có tin tức gì về anh ấy.

Sáng 30 tháng 4 nhà nào ở khu Phố tôi cũng đóng kín cửa, không ai dám ra ngoài. Chúng tôi đứng trong nhà lén nhìn ra đường, thấy có mấy người mang băng đỏ đi ngang qua, có người trông rất quen, có cả một viên Trung sĩ Cảnh sát Quốc gia, bạn của anh tôi. Ba tôi hồ hởi nói:

-Việt Cộng cũng là mình, chớ có ai khác đâu.

Sau này tôi được biết ông cảnh sát sợ quá nên phải đeo băng đỏ ngụy trang.

Đến trưa một số nhà mở cửa. Có ba người thanh niên mang súng AK, trên đầu súng có cột một miếng vải đỏ, vào nhà ba mẹ tôi; một người trắng trẻo giống như sinh viên, một người trông có vẻ nhà quê và một người rất quen mà sau khi nhìn kỹ tôi mới biết là anh Ba Nhỏ ở cùng xóm, làm nghề sửa xe gắn máy. Anh thanh niên trắng trẻo vui vẻ chào cả nhà và nói đủ chuyện về chính trị, nhất là chính sách 12 điểm của Mặt trận Giải Phóng; nhưng hai anh kia thì chỉ ngồi im lặng, thỉnh thoảng họ thì thầm với nhau gì đó và liếc nhìn tôi. Một lát sau anh Ba Nhỏ mới hỏi tôi:

-Thằng bồ chị đâu rồi"

Tôi định im lặng nhưng rồi bực mình hỏi:

-"Thằng bồ chị" là thằng nào"

Anh trông có vẻ nhà quê nói, giọng bắc:

-Chị khỏi sợ, không ai bắt ép chị được nữa đâu.

-Đã có chánh sách khoan hồng mà tôi sợ gì.

-Không phải tôi nói vậy. Tôi nói trước đây bọn sĩ quan ỷ có cặp quân hàm trên vai, hay  bắt ép người ta làm vợ, bây giờ không phải sợ nữa.

Tôi buồn cười đến nỗi phải lấy cớ đi pha nước uống để vào bên trong cười cho đã. Tôi hoảng hồn thấy đứa em trai 17 tuổi của tôi đang ngồi trong xó bếp, tay cầm con dao bầu, hằm hằm nhìn ra ngoài:

-Mẹ tụi bây! Cho một quả CBU xuống đầu tụi bây, chết hết bây giờ!

*

Xế chiều xe mới tới nơi. Tôi đến ngay nhà Thủy Tiên. Mọi người hình như đang đợi tôi. Tiên vừa mừng vừa khóc, chạy đến ôm chầm lấy tôi, trái với bản tánh kín đáo của Tiên xưa nay. Cả gia đình đều mừng khi thấy tôi. Ba Tiên nói:

-Bây giờ anh định đi đâu"

Tôi nói tôi sẽ ra Phú Quốc hay về Đà Nẵng tìm đường đi ngoại quốc và xin phép được đem Tiên đi theo. Ông nói:

- Phải. Cứ đi đi!

Thế là tôi và Tiên lên Sài Gòn rồi về Đà Nẵng. Tôi đã bị bắt trên đường đi, còn Tiên thì về Đà Nẵng với gia đình ba mẹ tôi trong suốt thời gian tôi ở tù cải tạo. Tiên đã chịu biết bao nhiêu cay đắng cùng cực để kiếm tiền thăm nuôi tôi.

Sau tám năm tù, tôi được ra trại, nhưng không được ở thành phố, mà phải về ở trên quê, cách xa thành phố mấy mươi cây số.

Để được gần Tiên, tôi phải lén lút xuống Đà Nẵng vào lúc chiều tối. Có khi đang đêm ngủ, công an ập vào nhà xét, tôi phải leo lên nóc nhà trốn. Khi công an đi rồi, Tiên lấy cán chổi đập vào trần nhà, báo hiệu công an đã rời nhà. Có khi để được chắc ăn, chúng tôi cùng leo lên nóc nhà ngủ với nhau ở giữa trời đầy sương lạnh và cảm thấy không có hạnh phúc nào bằng.

Vào năm 1983 chúng tôi có với nhau một đứa con trai. Tiên đã là vợ chính thức của tôi trước pháp luật và gia đình. Tuy nhiên tôi vẫn luôn hướng về Phượng và hai con.

Tôi đã một mình vượt biên nhiều lần nhưng không lần nào lọt được. Lần cuối cùng, sau khi suýt bị bắt, tôi trở về nhà leo tường vào.

Khi mở cửa phòng nhìn vào, tôi thấy Tiên đang nằm ngủ bên cạnh đứa con, chung quanh mắt có hai vòng tròn đen trông thật kỳ lạ. Thì ra vợ tôi đã khóc, có thể cả trong giấc mơ, nước mắt thấm xuống chỗ viết chì kẻ mắt loại rẻ tiền làm bột chì nhòe ra.

Từ đó tôi bỏ hẳn ý định vượt biên một mình.

*

. . . Anh ấy và tôi đã chấp nhận cuộc sống hẩm hiu nơi quê nhà, chấp nhận làm những kẻ cùng đinh trong xã hội mới, không những chỉ một đời chúng tôi, mà cả đời con và đời cháu. Nhưng rồi rất may mắn, cả gia đình chúng tôi được vào danh sách HO1.

Cùng lúc ấy chồng tôi nhận được thư của chị Phượng. Trong thư chị ấy có vẻ như muốn nói nếu chị ấy không bảo lãnh thì anh không có cách gì qua Mỹ được. Chúng tôi lại nhận thêm một bức thư mà tôi không còn nhớ của ai, trong thư có đoạn như sau:

" . . . Các anh như một quả bóng để Mỹ và Việt Nam đá qua đá lại chơi cho vui, làm gì mà đi được. . .".

Chúng tôi bỏ ngoài tai những lời nói đó vì qua các đài BBC, VOA... chúng tôi biết chắc sắp được thoát khỏi nơi chúng tôi không được chấp nhận như là những công dân bình đẳng.

Thế là chúng tôi đã được Trời thương, đền bù lại phần nào những gì chúng tôi đã mất mát sau ngày 30 tháng 4. Sau cái ngày bi thương ấy tôi đã chia xẻ với anh biết bao nhiêu nỗi đắng cay khi anh bị bắt đi học tập cải tạo, đã là cái cần câu cơm chính thức của gia đình sau khi anh ra khỏi trại.

Dù thế nào, tôi vẫn có mặc cảm mình là một trong những nguyên nhân khiến anh ấy không ra đi năm 1975. Vì thế khi còn ở Việt Nam tôi luôn luôn khuyên anh ấy nên tìm đường thoát khỏi nơi đó. Tôi biết tôi sẽ buồn khổ đến thế nào khi anh ấy đi rồi, nhưng tôi sẵn sàng chấp nhận.

Khi qua đến Mỹ, nỗi mặc cảm ấy vẫn ám ảnh tôi và tôi đã nhiều lần khuyên anh ấy nên tìm mọi cách thăm hai cháu. Tôi chỉ có khả năng làm đến như vậy mà thôi.



*

Một kết quả thường thường do nhiều nguyên nhân. Tôi ở lại Việt Nam không hẳn chỉ vì lý do gia đình. Dù thái độ của Phượng thế nào đi nữa, nếu ngày ấy khuôn viên tòa Đại sứ Mỹ là chiến hạm của Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà thì tôi vẫn theo mẹ con Phượng rời khỏi Việt Nam. Dù sao lòng tôi vẫn luôn luôn khắc khoải, thấy mình không nhiều thì ít, đã có lỗi với Phượng và hai con. Nhưng liệu tôi có thể làm gì bây giờ!"

Tôi đã có ba mặt con với Thủy Tiên, tôi có thể bỏ Tiên và ba con để trở về với Phượng được không, dù bà ấy vẫn không tái giá" Nếu thế tôi có mang lại hạnh Phúc cho Phượng không, khi mà Phượng đang là người khá giàu có, ít ra cũng hơn tôi nhiều, còn hai con là hai bác sĩ y khoa nổi tiếng trong cộng đồng Việt Nam ở Virginia. Nếu thế tôi không mang lại đau buồn cho Tiên và ba đứa con sao"

Nhưng nói gì và làm gì thì bây giờ cũng đã muộn màng.

Ba mươi mốt năm qua, bao nhiêu ước mơ và dự định đã theo năm tháng, theo những sợi tóc trên đầu bạc phai. Bây giờ những người ngoài bốn mươi đã gọi tôi bằng chú, bác. Mọi sự đã được an bài. Tôi đã không ăn đời ở kiếp được với Phượng, thế mà lại có thể ăn đời ở kiếp với Thủy Tiên; cũng như chúng tôi không thể sống được nơi chôn nhau cắt rốn của mình, mà lại sống được nơi đất khách quê người này. Và như đứa con trai lớn của chúng tôi...

Kìa, anh chàng vẫn nhởn nha trước máy điện toán.  Mới ngày nào, vào đời với những đêm Đà Nẵng công an đập cửa xét hộ khẩu, bố mẹ phải trốn lên mái nhà. Vậy mà giờ này đứa bé năm xưa đã thành một chàng trai cao lớn, đang hoàn tất luận án tiến sĩ một cách vô cùng thoải mái.