Sunday, May 6, 2012

Sám Hối


BTM
Sau khi nhận giấy phóng thích, Lý Tứ đi ra khỏi cổng trại tù gần như chạy. Hắn đi như vậy hơn mười phút mới chắc là mình hết ở tù. Không thiếu gì tù nhân đã mãn hạn tù được cho về, vừa ra khỏi cổng thì bị gọi trở vào ở tù tiếp. Trại làm như vậy để chứng tỏ uy quyền của mình. Dù đã được trên tha, nhưng trại bắt tù nhân tiếp tục ở tù lúc nào cũng được nếu xét thấy chưa tốt. 
Lý Tứ thở phào nhẹ nhõm, bước đến bên lùm cây định ngồi nghỉ thì thoáng thấy một bóng người mặc đồng phục công an từ trong đó bước nhanh ra chận hắn lại.
Lý Tứ tái cả người nhưng anh công an tươi cười nói:
- Đồ ký gởi đã nhận hết rồi chứ?
Không để Tứ kịp mở miệng, anh công an nhìn cái đồng hồ trên cổ tay Tứ nói tiếp:
-Bán cho tớ nhé!
Lý Tứ cởi cái đồng hồ đưa cho anh công an. Anh ta lấy bóp ra trả tiền nhưng tìm mãi chẳng thấy đồng nào cả, bèn lấy cái nón cối đưa cho Lý Tứ rồi đi nhanh về phía trại. Lý Tứ bị án 10 năm tù về tội hiếp dâm. Khi vào tù hắn đã ký gởi tất cả của riêng, đáng giá nhất là cái đồng hồ Seiko và 500 đồng. Cái đồng hồ đã không may bị “ bắt lại”, chỉ còn 500 đồng. 
Lý Tứ leo lên một cái dốc và tiến về phía chiếc xe đò đang rước khách. Hắn bu nhanh vào chiếc xe ọc ạch đang lăn bánh khởi hành. Anh lơ xe ra dấu đoài trả tiền. Lý Tứ dúi vào tay anh ta tờ giấy 500 và chờ thối lại. Anh lơ xe ngạc nhiên bật cười:
-Giỡn chơi cha nội. Tiền của cha nội mua chưa được muỗng cám cho heo ăn.
Lý Tứ chợt nhớ lại là trong 10 năm hắn ở tù tiền đã mất giá gấp bao nhiêu lần rồi. Khi ấy hình như 500 đồng mua được vài chỉ vàng, thế mà bây giờ mua chưa được một muỗng cám. Đúng là “ gởi vàng ăn cám”. Hắn đang ngẩn ngơ suy nghĩ thì anh lơ xe đã trả 500 đồng lại cho hắn và nói:
-Thôi, bu đở phía sau xe đi. Ở trong “toà bạch ốc” ra hả? À sao giống ...một người quá vậy ? Có bà con chi không?
Hắn định hỏi “giống ai” nhưng thấy anh lơ xe hình như lỡ lời, nửa chừng im bặt, nên hắn cũng im luôn.
Lý Tứ vừa bước xuống xe thì bỗng choáng cả người vì có ai đang từ phía sau vỗ mạnh vào vai hắn và nói lớn:
-Đây rồi! Bây giờ mới thấy. Còn ai vào đây nữa. 
Lý Tứ lạnh người quay nhìn lui. Một người đứng tuổi, xương xẩu, mang kính đen, đang đăm đăm nhìn hắn. Ông ta nghiêng đầu nheo mắt rồi nói:
-Ừ, còn ai vào đây nữa. Các đồng chí ra đây!
Một bọn chừng năm sáu người, cả đàn ông lẫn đàn bà, từ trong một tiệm cơm bên vệ đường đổ xô ra vây chặt lấy Lý Tứ. Bọn họ đăm đăm nhìn vào mặt hắn rồi la lên:
-Bác! Bác!
Vài cô vừa la vừa cười như nắc nẻ. Người đứng tuổi vội nghiêm mặt rồi nói với Lý Tứ:
-Xin lỗi! Tôi mừng quá nên hơi đường đột. Tôi là giám đốc kiêm đạo diễn của xưởng phim Giải Phóng. Chúng tôi đang thực hiện một cuốn phim vĩ đại nói về Bác, nhưng người đóng vai Bác bỗng dưng mất tích, chưa tìm diễn viên thay thế được. Nay gặp được đồng chí, có ngoại hình y hệt bác, chúng tôi muốn mời đồng chí tham gia đóng vai này, rất mong đồng chí nhất trí. 
Lý Tứ ngỡ ngàng giây lát rồi gật đầu nhận lời, không đòi hỏi điều kiện gì cả. Đạo diễn kéo Lý Tứ vào trong tiệm cơm và nói với hắn là cần bắt tay vào việc ngay.
Sau khi ăn một bữa no nê ngon lành, Lý Tứ bắt đầu tập diễn và học kịch bản. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ Lý Tứ chưa hề biết kịch bản, tập diễn là gì cả, nhưng hắn đã làm tất cả mọi việc có liên quan đến hai việc này một cách thành thạo khiến ai cũng ngạc nhiên. Đến chiều Lý Tứ cùng đoàn đóng phim lên hai chiếc xe vận tải đến một khu rừng rậm rạp. Lý Tứ được dẫn vào trong một hang đá lớn chung quanh có cây cối um tùm mà mọi người gọi là hang Pắc Pó. Hắn cùng một số diễn viên nam nữ đóng thử một lần cuối cùng rồi trở về nhà ở tập thể để sáng sớm mai quay thật. Theo thủ tục, tối hôm đó hắn phải kê khai lý lịch tất cả ba đời cùng quá trình hoạt động của riêng mình từ khi mới ở trong bụng mẹ chui ra. Sau khi xem lý lịch Lý Tứ, đạo diễn điện đàm khẩn hỏi ý kiến lãnh đạo đảng và được chấp thuận thu nhận Lý Tứ làm diễn viên. 
Đã hai tháng rồi Lý Tứ cùng đoàn phim đi khắp nơi để đóng phim. Với bộ đồ đại cán, với khuôn mặt bây giờ đã đỏ hồng vì được bồi dưởng cơm thịt và với bộ râu thưa ba chòm, Lý Tứ trông y hệt Bác sau ngày trở về tiếp thu Hà Nội. Càng ngày Lý Tứ càng diễn xuất hay. Hắn là diễn viên khó ai thay thế được. Để diễn xuất cho thật có hồn, theo lời đạo diễn, hắn phải có phong thái giống Bác. Muốn có phong thái như thế, tốt nhất là nên có sinh hoạt y hệt Bác. Trong nhà ở tập thể của xưởng phim, ngoài đao diễn kiêm giám đốc được cấp phòng riêng, còn tất cả diễn viên phải chia nhau ở trong bốn căn phòng, nhưng Lý Tứ lại được cấp một phòng, có bàn làm việc, có giá sách, có cả thuốc lá đầu lọc, có bình trà và đôi khi có cả rượu. Hằng ngày ngoài việc học thuộc kịch bản và diễn xuất, hắn ngồi sau bàn giấy phì phèo điếu thuốc lá đọc sách, thỉnh thoảng tớp một tớp trà hay rượu và chắp tay sau đít, đi đi lại lại, cau mày suy tư, xong vỗ đùi một cái và cười đắc ý. Tóm lại, trong lúc sinh thời, Bác làm thế nào thì hắn làm y như vậy. Đạo diễn nói như thế là “tập dượt tranh thủ”. Đạo diễn còn bắt các diễn viên khác “tập dượt tranh thu” bằng cách xem Lý Tứ như là Bác thật sự ngoài đời, nghĩa là các diễn viên khác nên có thái độ cung kính đối với Lý Tứ, xưng hô “bác”, “cháu”. Đạo diễn thủ vai đồng chí thủ tướng nên gọi Lý Tứ là “Bác” và bảo Lý Tứ gọi mình là “chú” như Bác vẫn thường gọi các đồng chí lãnh đạo trung ương trước đây.
Một hôm Lý Tứ đang ngồi mỉm cười một mình vì thấy đời hắn lên hương quá nhanh thì bỗng giật thót mình thấy một người giống y hệt hắn đang hiện ra ở ngưỡng cửa. Lý Tứ dụi mắt cứ tưởng mình đang soi gương. Nhưng không, người này đã tiến sát đến bên Lý Tứ. Lý Tứ hốt hoảng hỏi:
-Anh là ai?
Người ấy đập bàn quát lớn:
-Ta là Bác.
-Láo!
-Ta là Bác.
-Mời các đồng chí vào đây.
Bọn người từ bên ngoài ùa cả vào trong phòng. Đạo diễn nhìn trừng trừng thằng cha tự xưng là Bác rồi hỏi:
- Đồng chí Minh, hơn hai tháng nay đồng chí đi đâu? Tại sao phim đang quay nửa chừng, đến đoạn quan trọng nhất trong đó có đồng chí thủ vai Bác, đồng chí lại bỏ đi hả?
Minh trả lời, miệng toát ra nồng nặc mùi rượu Lúa Mới: 
-Dữ dội thế! Tôi bị công an bắt vì...
-Vì gì ?
-Chơi gái.
-Rõ đẹp mặt nhỉ! Cán bộ chơi gái!
-Tôi vẫn thủ vai Bác chứ?
-Đùa hay thật! Ở đây không còn chỗ cho anh. Thủ vai Bác? Anh chỉ thích hợp với vai Bác khi Bác còn ở hang Pắc -Pó, nhưng các cảnh đó đã quay rồi. Coi kìa! Râu ria lởm chởm, mắt mũi láo liên, mặt mày xanh xao. Xem Bác đây này.
Đạo diễn lấy tay chỉ Lý Tứ đang ngồi chễm chệ sau bàn giấy đọc sách như không thèm lưu ý đến ai cả. Minh chồm về phía Lý Tứ như muốn đánh. Lý Tứ gọi lớn:
-Bảo vệ đâu?
Bọn người đóng phim đến ôm lấy Minh, kéo hắn ra ngoài.
Lý Tứ càng ngày trông càng bệ vệ, trắng trẻo, rất thích hợp với vai Bác trong khoảng thời gian đầu thập niên 1960. Lắm lúc Lý Tứ cứ tưởng như mình là Bác thật. Hắn ăn nói hoà nhã nhưng có vẻ bề trên, tuy nhiên đạo diễn và các diễn viên khác không hề khó chịu. Như thế là vì mọi người đều yêu nghề, muốn “tập dượt tranh thủ, muốn đóng thật trọn vai trò của mình trong cuốn phim vĩ đại nhất từ trước đến nay; và nhất là vì mọi người cũng như hắn, đang tự kỷ ám thị để có cảm tưởng như mình là những lãnh đạo. 
Trong cái “triều đình” này, Lý Tứ là một ông vua. Mọi người nghe lời hắn răm rắp, ngay cả các cô nữ diễn viên. Đôi khi hắn bắt gặp các cô nhìn hắn với cặp mắt tôn sùng. Hắn biết những cặp mắt phụ nữ tôn sùng như vậy rất dễ dàng trở thành những cặp mắt đắm đuối. Lý Tứ quyết định thử một phen xem sao. Đã trên mười năm nay chưa hề gần đàn bà, bây giờ cơm thịt đầy đủ, hắn cảm thấy lửa dục nung nấu cả tâm can. Thế là một hôm Lý Tứ gọi một nữ diễn viên vào phòng nhờ cô ta lấy kéo tỉa hộ bộ râu hơi dài của mình cho được giống Bác hơn. Trong lúc cô ta đang lúi húi tỉa, Lý Tứ cầm chặt lấy tay cô ta. Thấy cô ta không phản đối, Lý Tứ lấy tay rờ những nơi khác. Đến khi rờ đến chỗ hiểm hóc nhất, Lý Tứ nghe cô ta kêu lên “Á, Bác !”. Hắn giật mình nhưng nhìn thấy cô ta cười nên đóng cửa phòng lại và dìu cô ta xuống giường... Ăn một món mãi cũng chán, Lý Tứ gọi cô khác “tỉa râu”. Hắn đã “tỉa râu” nửa tá nữ diễn viên như vậy, nhưng chẳng ai phản đối. Lý Tứ cảm thấy hình như mọi người đều biết, kể cả đạo diễn. nhưng họ giả lơ. Hắn nghĩ có thể mọi người đều đang cùng nhau “tỉa râu”. “Vương quốc” này đã tiến lên giai đoạn “ làm tuỳ sức hưởng tuỳ cần”. Càng ngày Lý Tứ càng mạnh dạn hơn. Hắn gần như công khai gọi hết cô này đến cô khác ngủ đêm với hắn trong phòng riêng. Thật ra mọi người đều biết nhưng không muốn đụng chạm hắn vì không muốn ai đụng chạm mình. Hơn nữa qua hai cuộc chiến tranh, thanh niên chết quá nhiều, phụ nữ cỡ tuổi 35 này đang thừa mứa, ai hơi đâu tranh dành làm gì cho rắc rối.
Hôm đó nhằm ngày giỗ Bác, mọi người mua hoa và thắp hương dâng lên bàn thờ Bác rất trịnh trọng nhưng Lý Tứ vẫn tỉnh bơ ngồi xem sách, uống rượu và đánh một giấc ngon lành. Nửa đêm hắn chợt thức giấc vì có ai đến nằm bên cạnh. Hắn nghe có giọng thỏ thẻ:
-Con...dâng Bác. 
Lý Tứ điềm nhiên hưởng đồ dâng cúng vô cùng thích thú. Nhưng sau khi “xong việc”, cô diễn viên chợt rợn tóc gáy vì thấy người Lý Tứ lạnh ngắt và cứng đơ. Cô đưa tay sờ mũi Lý Tứ thấy hắn đã tắt thở. Cô ta nhanh trí lấy cây trâm có đầu nhọn đâm vào xương cụt Lý Tứ. Hắn rùng mình một cái và ngồi bật dậy. Cô nữ diện viên sợ quá, chạy ra khỏi phòng.
Hôm nay là ngày bắt đầu quay cảnh cuối cùng của cuốn phim. Mọi người đều thức dậy sớm để chuẩn bị. Trái với mọi ngày, thường dậy rất trể, hôm nay Lý Tứ ra khỏi phòng từ lúc 5 giờ sáng. Hắn nhìn mọi người và cảnh vật chung quanh với đôi mắt khác lạ hơn mọi khi, nhưng rồi gật gù, ra vườn sau làm vài động tác thể dục mà hắn chưa từng bao giờ làm như thế trong đời. Lý Tứ ăn chút ít điểm tâm, uống một chén trà xong hỏi:
-Cận vệ đâu?
Mọi người ngạc nhiên thấy hắn càng lúc càng khác lạ. Đạo diễn nói:
-Hôm nay quay cảnh nhà sàn Bác.
-Biết, biết. Đi ngay bây giờ chứ?
-Dạ. 
Mọi người lên xe đến khu nhà sàn. Lý Tứ xuống xe đi thẳng đến hồ cá. Hắn vào trong cái kho nhỏ bên cạnh lục tìm đồ ăn cho cá và ngồi xuống bên bờ hồ, vừa cho cá ăn, vừa khe khẻ ngâm:
Xuân này ắt hẳn khác xuân xưa
Chiến thắng vang lên khắp mọi nhà
Cương quyết tiến lên giết giặc Mỹ
Xuân này chiến thắng ắt về ta
Đạo diễn trố mắt ngạc nhiên nhìn Lý Tứ và nói lớn:
- Rất đạt! Ánh sáng đâu? Quay phim đâu? Xong chưa? Nhanh lên! Quay ! Không cắt. Bác làm gì cứ thế mà quay. Sẽ cắt xén sau. Ký chú viên đâu? Nhanh lên! 
Đạo diễn nói như một cái máy, vừa nói vừa thở. Còn Lý Tứ thì cứ tự động diễn xuất, không thèm nghe lời hay chú ý đến ai cả. Hắn cứ làm như đây là nhà của hắn. Hắn cho cá ăn xong, đi vào phòng làm việc của Bác trong lúc sinh thời ngồi hí hoáy viết gì đó lên tập giấy để sẵn trên bàn. Đoàn quay phim lục tục chạy theo quay.
Đến chiều tối đạo diễn nói:
-Chúng ta trở về. Đoạn Bác từ trần không quay kịp hôm nay. Ngày mai tiếp.
Lý Tứ nói:
-Các đồng chí về. Ngày mai gặp tôi.
-Bác đi đâu?
-Tôi đi nghỉ.
Lý Tứ nói xong đi vào phòng ngủ nằm xuống giường. Mọi người ngạc nhiên nhưng không biết xử lý thế nào. Các người bảo vệ nhà sàn vào can thiệp, nhưng Lý Tứ vẫn không chịu rời phòng. Sau một hồi cãi cọ, một người bảo vệ xông vào Lý Tứ định lôi hắn đi. Lý Tứ trừng mắt nhìn mọi người nói lớn:
- Phản động! Công an đâu?
Hai anh công an bấy giờ đã đến nơi. Thấy “Bác” đang dẫy dụa trong tay anh bảo vệ, một anh công an chĩa súng vào anh bảo vệ và hét:
-Thả Bác ra! Đưa tay lên!
Anh công an kia há hốc mồm nhìn tình huống trước mắt như một cơn mơ. Đạo diễn và hai ba diễn viên cắt nghĩa sự việc cho công an rõ. Công an chần chừ vài phút rồi nói với Lý Tứ:
-Mời đồng chí đi.
-Ta không đi
-Một lần nữa, mời đồng chí đi!
-Ta không đi. Gọi đồng chí Bộ Trưởng Nội Vụ tới đây!
-Chúng tôi bảo đồng chí đi. Có đi không?
Hai anh công an xông vào Lý Tứ. Hắn vụt chạy ra khỏi phòng và la:
-Phản động! Đảo chánh!
Lý Tứ nhảy một cái từ trên nhà sàn xuống đất như người có khinh công thượng thặng và chạy về phía quảng trường Ba Đình. Hắn dừng chân ngồi nghỉ trên một phiến đá gần Chùa Một Cột. Hai ba đứa trẻ đang chơi đùa trên bãi cỏ thấy Lý Tứ, reo to lên:
-Bác! Bác !
Một số người từ trong các ngôi nhà gần đó chạy ra và kêu lên:
-Bác! Bác!
Những phu xích -lô, những người bán hàng rong, khách đi đường, trẻ con...từ mọi phía đổ dồn đến chỗ Lý Tứ đang ngồi. Vài ba kẻ ăn xin xách bị gậy chen nhau đến bên Lý Tứ chìa tay ra. Lý Tứ xua tay nói:
-Không có gì quý hơn độc lập tự do. 
Hắn nói xong, đi như bay đến lăng Bác. Hai người lính cao lớn cuối đầu đứng gác như đang ngủ gục. Lý Tứ vượt nhanh qua mặt họ và đi vào trong lăng. Họ chỉ kịp thấy Lý Tứ vụt qua mặt rồi mất hút. Ho hoảng hốt thổi còi báo động. Xe công an hụ còi chạy đến bao vây bên ngoài. Một lát sau Lý Tứ từ trong lăng bước ra. Một anh công an theo thói quen đưa súng lên nhắm vào Lý Tứ. Nhưng một anh công an khác lại đưa tay ngăn lại. Một anh khác nữa nghiêm chỉnh đưa tay lên chào Lý Tứ. Phần lớn các anh công an khác đang kinh dị đứng nhìn, không biết phải làm thế nào.
Lý Tứ đến đứng trên bờ thềm cao trước lăng, dơ tay vẫy chào đám đông bấy giờ đang đứng chật ních trên quảng trường. Hắn nói giọng sang sảng và lớn, cách vài trăm thước vẫn còn nghe rõ: 
-Hắn nói thao thao bất tuyệt, nhấn mạnh những đoạn “ tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng”, “đả đảo người bóc lột người”, “ai cũng có cơm ăn áo mặc, cũng được học hành”. Cuối cùng Lý Tứ nhất quyết thực hiện công bằng xã hội, quyết tâm tiêu diệt tư sản tận gốc rễ. Hắn hỏi đám đông:
- Đồng bào có nghe rõ không?
Đám đông, phần nhiều là những người cùng khổ reo hò và kêu lên:
-Dạ rõ! Đánh đổ bọn tư sản! Đánh đổ bọn bóc lột người! Bác muôn năm! Bác muôn năm! 
Đám đông đổ xô vào các biệt thự sang trọng của cán bộ cao cấp toạ lạc chung quanh quảng trường, lôi chủ nhà ra trói gô lại và bắt đầu đấu tố. Một số đông đang hôi của, khuân máy truyền hình, tủ lạnh, quạt máy... lên xe ba -gát và xe xích -lô. Một số khác đang đập phá. Có vài đám cháy bốc lên, vài tiếng súng nổ, tiếng thét. Trong khi đó Lý Tứ vẫn đứng trên thềm cao thao thao bất tuyệt.
Lệnh trên đưa xuống phải bắn chết ngay kẻ xách động cuộc bạo động là Lý Tứ, nhưng ai cũng trù trừ. Cuối cùng một đồng chí trung ương đến nơi. Ông ta thét to trước đám công an:
-Tại sao không bắn?
-Chúng tôi sợ đó là Bác sống dậy.
-Hoang đường! Nhưng nếu là Bác sống dậy thật thì lại càng nên...bắn. “ Bác sống dậy” không phải là Bác. Bắn!
Một anh công an run rẩy đưa khẩu AK lên nhắm vào đầu Lý Tứ bóp cò. Lý Tứ ngã nhào trên thềm, miệng vẫn còn lảm nhảm những gì nghe không rõ, hai giòng lệ máu rỉ ra từ cặp mắt vẫn còn chưa khép lại. Thế rồi những loạt súng chỉ thiên vang lên inh ỏi cả không gian. Đám đông dạt ra hai bên và phía sau rồi biến dần trong các con hẻm, để lại vài chục người bị trói gô ngay chính giữa quảng trường. Xa xa có tiếng còi xe công an hụ, tiếng súng nổ, tiếng người la hét vì bị đuổi bắt pha lẫn tiếng reo hò “Bác vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”.

Hôm sau nhằm ngày thăm viếng Bác. Khách tham quan rất kinh dị trông thấy từ hai khoé mắt Bác trong hòm kính có hai giòng lệ máu chảy dài xuống khuôn mặt nằm ngửa, một khuôn mặt buồn rầu hối hận như thấy đời mình làm toàn chuyện vô ích và tai hại.

No comments:

Post a Comment